Thông tin & Sự kiện

Bé 3 tuổi bị đột quỵ, người lớn 'không tin nổi'

Ngày 14/09/2020 19:18

Đột quỵ ở trẻ được ví như 'sát thủ giấu mặt' âm thầm cướp đi tuổi thơ của trẻ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Bệnh này không chỉ có ở người lớn.

PGS Nguyễn Huy Thắng chỉ ra các di chứng của một trường hợp đột quỵ ở trẻ em - Ảnh: HOÀNG LỘC

   Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị thành công cho trường hợp bé 3 tuổi (quê An Giang) bị đột quỵ. Trước đó bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người.

Không tin con bị đột quỵ

   "Bé đang ở nhà thì đột nhiên lơ mơ rồi dần liệt nửa người, mặc cho ai kêu bé không biết gì hết cả. Ở bệnh viện tỉnh chụp chiếu không phát hiện ra, chỉ nghi ngờ bé bị viêm màng não. Tôi cũng không tin trẻ nhỏ như vậy lại bị đột quỵ" - chị N.T.T. (mẹ bé) nói.

   Thế nhưng khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP, kết quả chụp MRI phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới. 

   "Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được. Do bệnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng" - bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa nội thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng TP), nói.

   Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 5 tuổi (ngụ Long An) trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột do nhồi máu não vùng đỉnh trái. Điều may mắn với bé này là được phát hiện, can thiệp kịp thời nên chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động. 

   Cùng thời điểm đó, câu chuyện của nam sinh lớp 7 (12 tuổi) ở Q.Tân Bình, TP.HCM tử vong sau cơn đột quỵ tại lớp khiến nhiều người giật mình âu lo.

Thách thức chẩn đoán

   Nhiều năm nghiên cứu, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ nhưng với PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115), đột quỵ ở trẻ em quả thật đang là một thách thức không nhỏ trong việc chẩn đoán, nhận biết. 

   "Đột quỵ ở trẻ em là bệnh hiếm gặp, có thiên hướng bẩm sinh, y học chứng cứ còn rất ít. Điều này kéo theo việc bỏ sót ca bệnh, thậm chí nhiều ca khi phát hiện đã quá trễ giờ vàng để có thể làm cái gì đó cho các em" - BS Thắng trăn trở.

   BS Nguyễn Huy Thắng còn cho biết trong số các ca đột quỵ trẻ em chuyển đến ở thời điểm "quá muộn màng", may mắn có bé vượt qua di chứng. Các bé tìm đến ông thường ở độ tuổi từ 10-12 và có bé chỉ mới 9 tháng tuổi, phần lớn bị hẹp động mạch nội sọ rất nặng. 

   "Có hai em được người nhà đưa đến khi đã bị liệt nửa người. Trước đó cả hai điều trị tại một bệnh viện nhi nhưng không thể chẩn đoán ra đột quỵ. Sau quá trình điều trị, điều may mắn các bé hết liệt nửa người và nay đều trở thành sinh viên của các trường đại học ở TP.HCM" - BS Thắng kể.

Khó nhận biết, khó điều chỉnh

   Đột quỵ ở trẻ em chủ yếu do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não và dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý co giật, viêm màng não, yếu liệt tay chân... 

   "Về mặt quy trình điều trị đột quỵ cấp của thế giới, ở trẻ em và người lớn đều giống nhau là đều sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch, hoặc lấy huyết khối thông tắc mạch máu lớn. Nếu như ở người trưởng thành đột quỵ thường dễ dàng điều chỉnh thì trẻ em lại rất khó phát hiện, khó điều chỉnh bởi chủ yếu xuất phát từ bẩm sinh, bất thường về mạch máu. 

   Tuy nhiên, khi phát hiện được đột quỵ kịp thời, trẻ em có lợi thế hơn so với người lớn về khả năng phục hồi các chức năng vận động, chức năng thần kinh và các biến cố thường thấp hơn"- BS Thắng phân tích.

   Điều nhiều người lo lắng nhất hiện nay là làm sao nhận biết được một đứa trẻ bị đột quỵ, đưa đến đúng bệnh viện chuyên môn, ở trong phạm vi thời gian điều trị cho phép. BS Thắng dẫn chứng, mỗi năm ở khoa bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) tiếp nhận điều trị đột quỵ cấp (khẩn cấp) khoảng 1.000 ca và nếu kể từ năm 2006 đến nay trên 10.000 ca nhưng chưa có trường hợp trẻ em nào. Tại sao? 

   "Vì chưa có trẻ nào bị đột quỵ được đưa đến đúng giờ, đúng cửa sổ vàng điều trị cả" - BS Thắng khẳng định.

   Ngoài ra, việc phân cấp bệnh viện người lớn không có chức năng tiếp nhận điều trị cho trẻ dưới 14 tuổi đang là một rào cản không nhỏ làm mất đi thời gian vàng điều trị đột quỵ cho trẻ. Trong số nhiều bệnh nhi bị đột quỵ đưa vào bệnh viện nhi đồng, có trường hợp không phát hiện ra bị đột quỵ. 

   Chưa kể phương tiện chẩn đoán hạn chế. Và có rất nhiều trường hợp trẻ em bị đột quỵ ở các bệnh viện nhi đồng trễ giờ vàng để có thể làm điều gì đó cứu trẻ.

Đột quỵ nhưng nghĩ trúng gió

Tử vong do đột quỵ chiếm thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Theo công bố của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ 10 bệnh nhân bị đột quỵ chỉ có 3 người có thể quay lại công việc trước đó. Ở Việt Nam mỗi năm có trên 200.000 trường hợp đột quỵ. Thế nhưng nhiều gia đình không nhận thức được các triệu chứng đột quỵ, nên cho rằng là… trúng gió và tự cấp cứu bệnh nhân bằng cách cạo gió, vắt chanh, lấy kim châm đầu ngón tay…

Ba nhóm nguyên nhân

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn, còn phân loại theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh gọi là đột quỵ chu sinh, từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi gọi là đột quỵ trẻ em.

Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con (bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương hoặc ngạt khi sinh) và nguy cơ từ mẹ (con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, hút khi sinh, mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu).

Đột quỵ chu sinh khó nhận biết, điều trị chủ yếu nâng đỡ và tìm yếu tố nguy cơ để điều chỉnh. Đột quỵ trẻ em có triệu chứng tương tự đột quỵ người lớn như động kinh, yếu chi, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, ở trẻ lớn có rối loạn ngôn ngữ... với 3 nhóm nguyên nhân thường gặp là do bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh và bóc tách động mạch.