Tôi 50 tuổi, sức khỏe bình thường, thời gian gần đây tôi rất hay đãng trí và nhanh quên khiến cho cuộc sống bị phiền toái. Có người nói đây là biểu hiện của tuổi già. Vậy xin bác sĩ tư vấn cụ thể.
Lê Thị Lan (Cao Bằng)
Theo các chuyên gia thần kinh, suy giảm trí nhớ là một phần tất yếu trong quá trình lão hóa tự nhiên, quá trình này diễn ra ở từng giai đoạn với từng cấp độ khác nhau, ở thể nhẹ thì gây ra tình trạng quên, đãng trí, nặng và trầm trọng hơn sẽ làm mất trí nhớ. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn phàn nàn chứng hay quên trong cuộc sống hằng ngày.
Biểu hiện sớm của chứng quên là khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày, sử dụng phương tiện giao thông, sử dụng điện thoại, mất kỹ năng mua sắm, khó khăn trong việc làm theo lời hướng dẫn và tìm đường trong thành phố. Nhân cách người bệnh cũng thay đổi, biểu hiện ở sự ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ...
Ngoài chế độ ăn và tập luyện để tăng cường thể chất và trí nhớ thì bệnh hay quên ở giai đoạn sớm có thể chữa được và ít ra cũng làm quá trình bệnh chậm lại hoặc tạo cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Vấn đề đặt ra là khi có biểu hiện quên thì nên đi khám bệnh để được xác định nguyên nhân, mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ và kịp điều trị sớm.
Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng quên do bệnh sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm, stress, Alzheimer... Alzheimer là bệnh đứng hàng đầu (chiếm 50-60%) trong các căn nguyên gây bệnh mất trí nhớ hiện nay. Một số thuốc có tác dụng duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức dùng trong điều trị bệnh Alzheimer là các thuốc dinh dưỡng thần kinh, các thuốc tăng cường chuyển hóa, tuần hoàn não.
Vì vậy, đối với trường hợp của bác ngoài chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thể dục đều đặn thì bác cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.
BS. Nguyễn Hoàn