Thông tin & Sự kiện

Các loại siêu thực phẩm có lành mạnh?

Ngày 15/08/2013 20:03

nhathuoctot.com

Các nhà khoa học tin rằng một loại bông cải xanh đặc biệt được bổ sung vi chất có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của bạn. Nhưng liệu các loại siêu thực phẩm có phải là một sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh không?
 

Bạn có thích ăn loại bánh mì kẹp thịt bò được làm từ tế bào gốc kèm với một số loại gạo biến đổi gen? Có hay không một bông cải xanh đặc biệt có thể “lên dây cót” cho quá trình trao đổi chất của bạn? Không có điều gì là không thể. Những sản phẩm này gần đây đã được loan báo bởi các nhà công nghệ thực phẩm và các nhà khoa học cùng làm việc để sửa đổi và cải thiện các loại thực phẩm mà chúng ta đang ăn hàng ngày. Loại bánh mì kẹp thịt bò đã được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm hơn là lai tạo ra một cơ thể động vật sống, giải pháp nuôi dưỡng này nhằm tạo ra một loại thịt giàu chất đạm và không phải giết hại gia súc. Theo một nghiên cứu mới được công bố mới đây, loại bông cải xanh có chứa một hợp chất hoạt động có thể giúp tế bào con người hoạt động hiệu quả hơn. Trong khi đó, một loại gạo biến đổi gen được trồng ở Philippines lại chứa nhiều vitamin A hơn, có thể tăng cường hệ miễn dịch, tránh mù lòa và chống triệu chứng kém ngon miệng của con người.

 

Các loại siêu thực phẩm có lành mạnh? 1Một số loại siêu thực phẩm.
 

 

 

Tăng cường các vi chất dinh dưỡng

Trên thế giới, hàng tỷ người đang thiếu vitamin hay các khoáng chất khác. Khoảng 2 tỷ người đang thiếu iod và 2 tỷ người thiếu máu do thiếu sắt. Khoảng 1/4 nhân loại đang hấp thụ không đủ kẽm. Chất cần thiết cho sự tăng trưởng, trong khi đó hàng trăm ngàn trẻ em bị mù lòa mỗi năm do thiếu vitamin A. Trước thực trạng đó, tại Trung Quốc, các nhà khoa học đang nghiên cứu bổ sung iod vào 10 loại rau khác nhau. Tỷ phú và đồng sáng lập nên Microsoft, Bill Gates đã giúp thành lập HarvestPlus, một chương trình quốc tế với mục tiêu cố gắng để thay đổi các loại thực phẩm theo hướng phục vụ tốt hơn cho người nghèo. Dự án HarvestPlus đã phát triển ra một loại khoai lang màu cam, nhiều vitamin A và dự án cũng đang nhân giống hơn 6 loại cây trồng khác gồm sắn (khoai mì), ngô (bắp) giàu vitamin A, các loại đậu hạt, hạt kê giàu chất sắt, các loại lúa mì và lúa giàu chất kẽm.

Một loại “gạo vàng” biến đổi gen (GM) đã được tạo ra, có chứa nhiều beta-carotene, hiện đang được canh tác ở Philippines, còn các nhà khoa học đang thẩm định các đánh giá an toàn của loại gạo mới. Cơ thể con người chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A, phía các nhà khoa học ước tính rằng một tách gạo vàng có thể cung cấp 50% nhu cầu năng lượng hàng ngày đối với người trưởng thành. Tuy vậy, vẫn có một số người tỏ ra cẩn trọng về việc sửa đổi thực phẩm theo cách này. Bà Emma Hockridge, người đứng đầu bộ phận chính sách tại Hiệp hội đất trồng, một chiến dịch từ thiện về thực phẩm hữu cơ và nông nghiệp ở Anh, cho biết: “Vẫn còn nhiều thứ mà chúng ta không biết. Liệu con người có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng bổ sung? Để làm điều đó, đối với một số loại dinh dưỡng, chúng tôi cần có các loại vitamin và khoáng chất khác để bắt nó hoạt động. Chúng tôi không chắc chắn về những gì có trong các loại rau khác nhau”.

Chống lạm dụng ăn uống

Có một quy trình gọi là “Củng cố sinh học”, hay nói cách khác là sửa đổi thực phẩm bằng cách thêm vào các chất dinh dưỡng và những ích lợi khác, hiện đang gia tăng khá phổ biến ở các quốc gia đã phát triển. Vào tháng 7/2013, Chính phủ Anh đã phát động chiến dịch nông - kỹ nghệ trị giá 160 triệu bảng Anh, tập trung khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng trong thực phẩm tương lai. Vào năm 2011, một trong những loại thực phẩm như vậy đã được đem bán trong các siêu thị ở Anh. Beneforte là một giống bông cải xanh đã được trồng ở Đông Anglia. Các nhà khoa học đã nhân giống loại bông cải xanh này, nó chứa gấp 3 lần thành phần chất glucoraphanin, chất có khả năng làm giảm viêm sưng và ức chế sự phân chia tế bào liên quan đến một số loại ung thư ở thời kỳ đầu. Một nghiên cứu về tác động của bông cải xanh khi ăn đã được công bố trên tờ Thời báo dinh dưỡng lâm sàng (JCN, Mỹ) cho thấy rằng, ăn loại bông cải xanh này đã thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, làm giảm nồng độ của axít béo và các loại lipid khác.

Mặc dù bông cải xanh beneforte đang được bán cho người tiêu dùng tại 2 chuỗi siêu thị lớn, nhưng GS. Richard Mithen  - Viện nghiên cứu thực phẩm (IFR) ở Norwich, Anh cảnh báo rằng nó không giải quyết được những vấn đề gây ra do một chế độ ăn uống xấu. GS. Mithen nói: “Mọi người cần phải có một lối sống lành mạnh, bao gồm chỉ một ít bông cải xanh kết hợp với các loại trái cây và rau củ khác. Tôi không khẳng định rằng nó là một “viên đạn ma thuật”, nó không phải là thuốc tiên để trị dứt mọi căn bệnh”. Có một hướng tiếp cận khác trong việc ăn uống lành mạnh mà khá nhiều chuyên gia đã đồng tình với nó: thay vì tìm kiếm các loại siêu thực phẩm, chúng ta nên ăn đa dạng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây và rau củ kết hợp, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

(Theo BBC New, 8/2013)

Nguyễn Thanh Hải