Thông tin & Sự kiện

Phát hiện công ty chuyên “biến” trâu thành bò

Ngày 17/07/2015 19:58

nhathuoctot.com

SKĐS - Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong hơn một năm qua nước ta đã nhập về gần 36.000 tấn thịt trâu đông lạnh.

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong hơn một năm qua nước ta đã nhập về gần 36.000 tấn thịt trâu đông lạnh. Tuy nhiên, trên thị trường không dễ để tìm thấy các cửa hàng bán thịt trâu mà thay vào đó là thịt bò. Từ những nghịch lý này, qua quá trình điều tra, theo dõi, các mánh khóe “phù phép” thịt trâu thành thịt bò của một số công ty nhập khẩu và một số nhà hàng, bếp ăn đã bị lực lượng chức năng lật tẩy.

Phát hiện công ty chuyên “biến” trâu thành bò

Trung tá Phạm Giang Sơn và lực lượng QLTT kiểm tra tại cơ sở vi phạm.

Ngày 14/7, Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường (PC49), Công an TP. Hà Nội và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh buôn bán của Công ty Tân Hồng Minh, có địa chỉ tại số 62 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện, thu giữ hơn 200kg thịt trâu giả thịt bò của công ty này, tiếp tục kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong kho của công ty này vẫn còn hơn 60kg thịt trâu đông lạnh có nguồn gốc xuất xứ Ấn Độ chưa được tiêu thụ. Toàn bộ số thịt trâu này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tiến hành kiểm tra sổ sách kinh doanh, đoàn kiểm tra đã phát hiện công ty này đã có hành vi gian dối với khách hàng.

Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (PC49), Công an TP. Hà Nội cho biết: Chủ cơ sở cũng đã khai nhận với cơ quan chức năng, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng Hà Nội chủ yếu thích dùng thịt bò nên khi bán hàng đã đánh lận thịt trâu thành thịt bò, lừa người tiêu dùng vì lợi nhuận. Thực tế, trên thị trường thịt bò có giá trung bình khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, còn thịt trâu Ấn Độ, giá chỉ dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg. Với sự chênh lệch này, mỗi kg thịt trâu công ty này ăn chênh lệch hơn 100.000 đồng/kg. Chủ cơ sở cũng thừa nhận, vì nhìn cảm quan thịt trâu hay bò cũng tương tự nhau mà khách hàng không quan trọng là thịt trâu hay thịt bò thì cũng không cần phải giải thích. Trong khi đó, khách hàng của cơ sở trên chủ yếu là các cơ sở kinh doanh lớn và một số nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.

Ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng Đội QLTT số 17 cho biết: Qua kiểm tra các tài liệu của công ty, chúng tôi đã phát hiện ra công ty đã mời chào 82 đơn vị tiêu thụ thịt bò và đã có 15 đơn vị tiêu thụ thịt của công ty này. Theo điều tra của các cơ quan chức năng, thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhập số lượng rất lớn thịt trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Thế nhưng rất ít nơi tiêu thụ mặt hàng này. Sự mâu thuẫn giữa cung và cầu đang cho thấy một thực tế là rất nhiều đầu nậu cung ứng thịt bò nhỏ lẻ như Công ty TNHH Tân Hồng Minh, đang thực hiện hành vi đánh tráo thịt bò bằng thịt trâu, hòng móc túi người tiêu dùng.

Liên quan đến vụ việc thịt trâu gian lận giả thành thịt bò, ngay trong chiều 14/7, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra đột xuất tại kho lạnh ETC thuộc Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hà Nội của Công ty thực phẩm Anh Khải Ký có địa chỉ tại 888/77B Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM, cũng phát hiện 92 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ. Cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiếp tục điều tra làm rõ số thịt trâu này sẽ được tiêu thụ tại đâu và có bị làm giả nguồn gốc xuất xứ thành thịt bò hay không?

Trước đó, cuối năm 2014, cũng tại KCN Quang Minh, lực lượng chức năng kiểm tra kho đông lạnh của Công ty An Việt, đã phát hiện ra nơi tập kết một lượng lớn thịt trâu nhập khẩu chuyên cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Kho này đang chứa khoảng 40 tấn thịt trâu đóng thùng nhưng không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng, một số hộp bao bì đã bị xé rách. Lực lượng kiểm tra nhận định, từ loại thịt không nhãn mác, khi gặp khách hàng đặt mua, đơn vị nhập khẩu sẽ “gắn” thêm nhãn mác thịt bò để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Việc các doanh nghiệp nhập khẩu nguồn thịt trâu rồi đánh lận con đen gắn nhãn mác thành thịt bò có thể được coi là hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng, vì lợi nhuận cá nhân, người tiêu dùng lãnh đủ. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo SK&ĐS, Luật sư Hoàng Mạnh Hùng, Phó đại diện Văn phòng Luật sư Việt Thành (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Đối với hành vi gian lận đánh tráo thịt trâu thành thịt bò được quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự quy định về “Tội danh lừa dối khách hàng”, cụ thể: Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Trần Lâm