Thông tin & Sự kiện

Tiêm hóa chất thúc chín cho mít xanh non

Ngày 10/06/2013 20:50

Mít, loại quả trước đây chỉ có vào mùa hè hiện được bán quanh năm. Múi mít vàng óng, thơm lừng đã “đánh lừa” người tiêu dùng vì chỉ khi ăn vào mới biết rằng, mít vẫn còn xanh, non. Vì các trái mít non và xanh đã được tiêm một loại hóa chất có tên ethephon để thúc chín nhanh.

 

Mít non, xanh vẫn chín đều

Hiện tại các chợ lớn nhỏ của Hà Nội quanh năm bán mít, các xe hàng rong cũng bán mít khắp các phố phường khiến người dân được ăn mít quanh năm. Khi hỏi về nguồn gốc của các loại mít này, người bán hàng chỉ giải thích: Đây là mít miền Nam ra quả 4 mùa nên lúc nào cũng có.

 

Tiêm hóa chất thúc chín cho mít xanh non 1
 

 

 

Những quả mít được bày bán vỏ vẫn cứng, xanh non chứ không chuyển màu nâu, gai mít dày, nhọn, cứng và cũng không có mùi thơm đặc trưng như mít chín tự nhiên. Tuy nhiên, toàn bộ bên trong các múi đều chín vàng, kể cả trong trường hợp có những quả mít bổ ra múi rất nhỏ do chưa đạt đến tuổi thu hoạch.

Mít bị tiêm hóa chất thì múi chín, ăn vẫn ngọt như thường nhưng phần ngoài bị sượng. Có quả bị tiêm thuốc quá tay nên chín nhũn, nẫu hết ruột.

Tiêm hóa chất thúc mít chín ép

Trước đây, người trồng mít và cả người buôn mít thường thu hoạch mít chín cây hoặc dấm quả già bằng cách quây kín lại rồi dùng hương thơm đốt lên để ủ. Cách này khiến mít chín không nhanh, không đều và không ngọt.

Thay vào đó, để mít chín, hiện nay người trồng có thể tiêm nhiều loại hóa chất khác nhau thuộc nhóm etilen hoặc metilen, trong đó chủ yếu là chất ethephon để kích thích mít chín nhanh. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng hóa chất này rất tùy tiện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Các nghiên cứu khoa học về độc tính của ethephon chỉ ra rằng, chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ, tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da. Khi bị ngộ độc ethephon nạn nhân thấy khát nước, khó nuốt, cảm thấy yếu, ói mửa đôi khi có máu, cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi; cảm giác cháy rát da và có thể làm hỏng mắt vĩnh viễn. Đây là chất không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế.

Hiện tại ở Việt Nam, ethaphon chưa được phép sử dụng để làm chín trái cây, vì vậy việc sử dụng thuốc mà đa số là thuốc nhập lậu từ Trung Quốc nên vẫn là hành động vi phạm pháp luật.

Lâm Phương