Phương pháp giấc ngủ Ferber
Một trong những kỹ thuật nổi tiếng nhất là phương pháp giấc ngủ Ferber.
TS Richard Ferber hiện là giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ Nhi tại Bệnh viện Nhi Boston và là tác giả cuốn sách “Giải quyết vấn đề giấc ngủ của con bạn” (Solve Your Child’s Sleep Problems).
Với phương pháp này, trong đêm đầu tiên, hãy cho bé lên giường khi bé còn thức nhưng đã mệt và sẵn sàng để ngủ. Sau đó bạn rời phòng. Có thể bé không chịu ngủ một mình và khóc lên. Hãy chờ 5 phút rồi mới trở vào phòng bé. Cố gắng dỗ dành, nhưng nhớ đừng bế bé lên và cũng đừng ở lại lâu hơn mức thời gian hai hoặc ba phút.
Lần thứ hai bé khóc, bạn chờ lâu hơn một chút – 10 phút – trước khi trở vào dỗ bé. Lần này cũng đừng bế bé và chỉ ở lại một thời gian ngắn.
Lần thứ ba bé khóc, bạn chờ 15 phút mới vào phòng và lại dỗ bé như hai lần đầu.
Lặp lại qui trình này trong thời gian cần thiết ở đêm đầu tiên, khoảng thời gian giữa hai lần dỗ là 15 phút. Cuối cùng, bé sẽ ngủ thiếp một mình trong một khoảng thời gian. Nếu bé cựa mình thức giấc trong đêm, bạn hãy bắt đầu lại, với thời gian chờ đợi ngắn nhất cho đêm đó và tiếp tục cho đến khoảng thời gian chờ đợi tối đa.
Trong đêm thứ hai, sử dụng cách thức cũ nhưng bắt đầu là khoảng thời gian chờ 10 phút. Sau đó là 15, rồi 20 phút. Trong mỗi đêm kế tiếp, kéo dài thời gian chờ đợi thêm mỗi 5 phút. Dần dần bé sẽ ngủ yên một mình.
Cha mẹ muốn thử phương pháp Ferber nên nghỉ ngơi trước khi bắt đầu quá trình tập cho bé. Vì trong những đêm đầu, họ sẽ phải mất nhiều thời gian để lắng nghe tiếng bé khóc, nhìn đồng hồ, đi vào và ra khỏi phòng bé.
Thật là mệt và bực bội mỗi khi phải dỗ dành bé, nhất là nếu bé không ngủ ngay. Nhưng bạn hãy tránh bế bé dậy hay đưa bé vào phòng bạn (nếu bé đang ngủ trong phòng riêng), bởi vì cách làm này sẽ phá hỏng những tiến bộ mà bạn đạt được cho đến lúc đó.
Phương pháp tách dần cha mẹ
Những bậc cha mẹ không muốn bỏ mặc bé trong khi bé còn thức có thể chọn phương pháp này.
Cha hay mẹ hãy ngồi trên một chiếc ghế đặt bên giường bé và chờ cho đến khi bé ngủ yên. Cứ như vậy trong hai đêm. Sang đêm thứ ba và thứ tư, bạn dời chiếc ghế ra xa giường khoảng nửa mét, và rồi một mét rưỡi vào đêm thứ năm và thứ sáu. Đến đêm thứ bảy, bạn ngồi ở bậc cửa và đêm thứ chín, bạn ở bên ngoài. Khoảng đêm thứ mười hay cuối tuần thứ hai, đứa bé sẽ quen nằm ngủ một mình.
Phương pháp khóc thét
Phương pháp này rất đơn giản. Hãy đặt bé nằm xuống và để bé khóc mòn mỏi cho đến khi ngủ thiếp đi mà không dỗ.
Phương pháp này có thể là một cuộc thử thách ý chí của cha mẹ. Thật là khó mà không làm gì trong khi con đang kêu gào đằng kia. Nhưng nếu bạn nhượng bộ, sau 15 phút, nửa giờ hay thậm chí là lâu hơn nữa, đứa bé sẽ biết rằng cha mẹ thế nào cũng đến và bế nó lên nếu nó cứ tiếp tục kêu gào. Kết quả là việc tập bé ngủ trở nên khó khăn hơn.
Phương pháp đánh thức theo thời biểu
Phương pháp này đòi hỏi cha hay mẹ làm công việc dường như là trái ngược, thậm chí bề ngoài có vẻ là phản tác dụng: đánh thức một đứa bé đang ngủ.
Trong vòng một tuần, bạn hãy quan sát, ghi nhận và lập mô hình thời gian thức tự nhiên của trẻ trong đêm. Dựa theo thời biểu này, cứ 15 phút trước mỗi lần bé thức, bạn hãy đánh thức bé, sau đó dỗ bé ngủ lại. Sau tuần đầu tiên, mỗi ngày bạn tăng thời gian thức bằng những khoảng ngắn 15 phút. Bạn sẽ bỏ dần những lần thức giấc không đúng thời biểu của bé, cho đến khi bỏ hẳn để bé ngủ yên suốt đêm.
Đối với những trẻ thường thức giấc vào những thời gian có thể biết trước trong đêm, phương pháp này có thể tốt hơn phương pháp Ferber, hay phương pháp “khóc thét” bởi vì bé ít khóc hơn và cha mẹ cảm thấy mình kiểm soát nhiều hơn. Tuy nhiên, đánh thức một đứa bé đang ngủ thường không dễ dàng. Một số chuyên gia phản đối thẳng thừng phương pháp này, họ cho rằng thời biểu thức giấc của một đứa bé thay đổi nhiều nên phương pháp sẽ không đạt hiệu quả. Ngoài ra, phương pháp đòi hỏi một thời gian dài – đến 3 hay 4 tuần.
Những việc không nên làm
- Cho bé ăn thức ăn đặc khi bé còn quá nhỏ vì lo sợ bé thức giấc trong đêm vì đói. Bạn sẽ chỉ làm cho bé muốn ăn giữa đêm.
- Bỏ những giấc ngủ ngày của bé. Việc này có nguy cơ làm cho bé kiệt sức, khó ngủ hơn và thức khuya.
- Đặt bé vào giường quá muộn, làm bé mệt mỏi hơn và khó ngủ hơn.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM